Incoterms® 2020 và bóng đá cũng có một số sự tương ứng nhất định liên quan đến nghĩa vụ của người bán, phương thức vận tải, nơi giao hàng. Bài viết nêu ra những lưu ý để các doanh nghiệp tránh những sai sót khi sử dụng Incoterms trong giao dịch thương mại.
Incoterms (International Commercial Terms) là bộ các quy tắc của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) để giải thích các điều kiện thương mại trong hợp đồng mua bán hàng hóa nhằm ngăn ngừa những tranh chấp giữa các bên. Hiện nay, Incoterms đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Trong thực tế, các quy tắc Incoterms thường khó hiểu, khó nhớ và các doanh nghiệp thường có sai sót khi sử dụng dẫn đến những tranh chấp và thiệt hại không đáng có.
Giới thiệu Inconterms
Incoterms là các quy tắc do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) soạn thảo để giải thích các điều kiện thương mại phản ánh thực tiễn nghĩa vụ giao nhận hàng hóa giữa các bên mua và bán trong các hợp đồng mua bán hàng hóa.
Mục đích của Incoterms là cung cấp một hệ thống trọn vẹn các quy tắc để giải thích các điều kiện thương mại được sử dụng rộng rãi nhất. Việc dẫn chiếu Incoterms vào hợp đồng mua bán xác định một cách rõ ràng nghĩa vụ của các bên để làm giảm tối đa và giải quyết thuận tiện các tranh chấp xảy ra, đặc biệt là hợp đồng giữa các bên ở những nước khác nhau.
Các quy tắc Incoterms phân chia giữa người bán và người mua trách nhiệm, chi phí và rủi ro liên quan đến hàng hóa trong việc giao nhận hàng. Ví dụ, bên nào thu xếp vận chuyển hoặc bảo hiểm hàng hóa hoặc lấy chứng từ gửi hàng và giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu; Bên nào phải trả chi phí vận chuyển, bảo hiểm, bốc dỡ hàng, thông quan, kiểm tra hàng hóa hoặc kiểm tra an ninh; Rủi ro chuyển từ người bán sang người mua ở đâu và khi nào.
Incoterms được xuất bản lần đầu tiên với phiên bản Incoterms 1936 và thường xuyên được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn thương mại. 04 phiên bản gần đây nhất là phiên bản Incoterms 1990, Incoterms 2000, Incoterms® 2010 và Incoterms® 2020.
Incoterms 1990 và 2000 chia 13 điều kiện (terms) thành 4 nhóm E, F, C và D (tên nhóm là chữ cái đầu tiên) sắp xếp theo thứ tự nghĩa vụ của người bán tăng dần.
Nhóm E - Xuất phát
Nhóm F - Cước chặng chuyên chở chính chưa trả
Nhóm C - Cước chặng chuyên chở chính đã trả
Nhóm D - Giao đến nơi
Incoterms® 2010 thay 03 điều kiện (DAF, DES, DDU) bằng quy tắc DAP và điều kiện DEQ bằng quy tắc DAT- Delievered At Terminal (Giao tại Điểm Tập kết) nên có 11 quy tắc. Incoterms® 2020 vẫn giữ 11 quy tắc với sự thay thế quy tắc DAT bằng DPU và được chia thành 2 nhóm:
Incoterms® 2020 tương ứng với đội bóng đá
Nếu sắp xếp 11 quy tắc Incoterms® 2020 theo 4 nhóm E, F, C và D sẽ thấy sự tương ứng với 11 cầu thủ ở 4 tuyến trong một đội bóng: Thủ môn, Hậu vệ, Tiền vệ và Tiền đạo. (Bảng 3)
Giả định việc sắp xếp đội hình chiến thuật theo các nguyên tắc sau:
Nghĩa vụ của người bán trong quy tắc thấp/ cao tương ứng với vị trí của cầu thủ trong đội hình thấp/ cao.
Quy tắc chỉ sử dụng cho phương thức vận tải đường biển và thủy nội địa chỉ phù hợp với cầu thủ ở cánh.
Xu hướng phòng thủ cánh trái, tấn công cánh phải (vì đa số cầu thủ thuận chân phải nên cánh phải thường mạnh hơn cánh trái). Quy tắc có nghĩa vụ của người bán thấp/ cao tương ứng với vị trí của cầu thủ ở cánh trái/ phải.
Sự tương ứng giữa 11 quy tắc Incoterms® 2020 và 11 cầu thủ trong đội hình bóng đá được tóm tắt trong Bảng 3 và Hình 1 dưới đây:
Những sai sót thường gặp khi sử dụng
1. Không sử dụng cho các hợp đồng nội địa
“Incoterms” là viết tắt của “ International commercial terms” (Các Điều kiện Thương mại Quốc tế), và Incoterms được ban hành nhằm áp dụng cho mua bán quốc tế. Tuy nhiên, Incoterms cũng có thể được áp dụng cho các hợp đồng nội địa. Trong thực tế, các hợp đồng mua bán quốc tế hầu hết sử dụng Incoterms trong khi các hợp đồng mua bán nội địa rất hiếm khi sử dụng.
Ngay từ Incoterms 2000 đã qui định: “Incoterms cũng được đưa vào các hợp đồng mua bán hàng hóa trong những thị trường nội địa thuần túy.” Incoterms® 2010 và 2020, trên trang bìa đều ghi rõ “Các quy tắc của ICC cho việc sử dụng các điều kiện thương mại nội địa và quốc tế”.
2. Không giành quyền vận tải và bảo hiểm
Thực trạng phổ biến ở Việt Nam là xuất khẩu theo FOB và nhập khẩu theo CIF. Như vậy, các doanh nghiệp đã mất quyền vận tải và bảo hiểm trong cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Nếu sử dụng các quy tắc Incoterms theo đó giành được quyền vận tải và bảo hiểm, các doanh nghiệp sẽ có những lợi ích đáng kể so với bên kia.
3. Sử dụng quy tắc Incoterms không phù hợp với phương thức vận tải
Có rất nhiều trường hợp quy tắc Incoterms chỉ dành cho vận tải đường biển hoặc thủy nội địa được sử dụng cho phương thức vận tải không phải đường biển hoặc thủy nội địa. Một khảo sát cho thấy gần 1/3 doanh nghiệp sử dụng các quy tắc đường biển cho vận chuyển container, 10% sử dụng FOB cho vận chuyển hàng không và 22% cho vận chuyển đường sắt hoặc đường bộ. (Jonathan Davis, 2021)
Trong Incoterms® 2010 và Incoterms® 2020, ICC trình bày các quy tắc thành hai nhóm theo phương thức vận tải để nhấn mạnh việc sử dụng quy tắc Incoterms cần phù hợp với phương thức vận tải.
4. Sử dụng ký hiệu viết tắt không có trong Incoterms
Có nhiều lạm dụng những ký hiệu viết tắt khác của điều kiện CFR như: C&F, C and F, CNF, C+F, CF. Khi những ký hiệu như vậy được sử dụng, các bên có thể thống nhất rằng nó được viết tắt từ “Cost and Freight”, nhưng không thống nhất được nghĩa vụ của các bên giống như quy tắc CFR của Incoterms.
5. Sử dụng các biến thể của Incoterms nhưng thiếu những qui định để giải thích
Nhiều người sử dụng các thuật ngữ về vận tải, giao nhận, bảo hiểm kèm với Incoterms nhằm bổ sung cho quy định của Incoterms và coi đó là những biến thể của Incoterms. Ví dụ như: EXW Loaded để bổ sung nghĩa vụ bốc hàng lên phương tiện chuyên chở, FOB Stowed/ Trimmed để bổ sung nghĩa vụ xếp/ san hàng trong hầm tàu cho người bán.
Nếu sử dụng những biến thể mà không có qui định để giải thích, không thể tạo ra cách hiểu thống nhất về nghĩa vụ của người bán được bổ sung đối với chi phí hay cả rủi ro và dễ dẫn đến tranh chấp cho các bên.
6. Không sử dụng phiên bản Inconterms mới nhất
Cho đến nay, ICC đã xuất bản 9 phiên bản Incoterms, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng các điều kiện thương mại trong các phiên bản cũ. Một khảo sát cho thấy hơn 14% sử dụng C&F (Incoterms 1980) và 23% sử dụng DDU (Incoterms 2000). (Stapleton, 2014). Lý do là doanh nghiệp thường sử dụng những hợp đồng mẫu, trong đó đã dẫn chiếu đến phiên bản Incoterms cũ và nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu hết những thay đổi và những ưu điểm của phiên bản Incoterms mới nên e ngại sử dụng.
7. Chỉ tập trung vào một vài quy tắc cho mọi giao dịch
Nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng một vài quy tắc Incoterms trong giao dịch. Ví dụ như xuất khẩu mặc định theo FOB, nhập khẩu mặc định theo CIF. Như vậy, không khác gì bóng chỉ chuyền đến một vài cầu thủ trong đội bóng. Việc không linh hoạt thay đổi các quy tắc Incoterms làm cho doanh nghiệp bị mất đi những lợi ích và gặp nhiều rủi ro.
8. Qui định chung chung về nơi gửi hàng/ nơi đến kèm với quy tắc Incoterms
Mỗi quy tắc Incoterms đều được ghi kèm với nơi gửi hàng hoặc nơi đến, điều này giúp các bên xác định được điểm di chuyển rủi ro và chi phí từ người bán sang người mua. Nhiều doanh nghiệp qui định nơi gửi hàng hoặc nơi đến một cách chung chung như FOB Hai Phong, DAP Yokohama. Bên có quyền sẽ lựa chọn địa điểm (tại nơi qui định) phù hợp nhất với mục đích của mình làm cho phía bên kia có thể phải chịu thêm những rủi ro và chi phí.
Ví dụ, nếu địa điểm gửi hàng mà người mua chọn không gần với nơi tập kết hàng, người bán nhóm F phải chịu thêm chi phí và rủi ro của hàng hóa trong quá trình vận chuyển nội địa để đưa hàng tới địa điểm đó. Trong khi đó, người bán nhóm C và D có thể chọn địa điểm đến khá xa với nơi đến cuối cùng của hàng hóa (nơi người mua giao hàng hoặc tập kết hàng), dẫn đến người mua phải chịu chi phí và rủi ro nhiều hơn để tiếp tục vận chuyển hàng hóa.
Nguồn: Tạp chí Vietnam Logistics Review